Họ bước vào giảng đường đại học với bao hoài bão. Nhưng rồi vài năm trôi qua, họ nhận ra không thể nào tiếp tục học được nữa và muốn bỏ cuộc.
Vì sao lại có nghịch lí này?
Đam mê không có nghĩa là “mọt sách”
Nhiều bạn yêu thích một ngành nào đó, nhưng lại không đủ khả năng để theo học nó. Chẳng hạn như một số bạn thích trở thành bác sĩ vì muốn cứu người. Họ cố gắng lắm mới có một “tấm vé” vào trường Y, nhưng vào học rồi lại không chịu nổi áp lực học tập quá cao, không hợp với môi trường sách vở, không thích ngồi một chỗ và học. “Thích” là một chuyện, “đam mê” là một chuyện, nhưng “mọt sách” lại là chuyện khác. Có một số ngành mà nếu bạn không chịu nghiên cứu sách, bạn sẽ không bao giờ tốt nghiệp được.
Thiếu kĩ năng
Nhiều bạn chọn ngành chỉ vì muốn ra trường có lương cao, kiếm được nhiều tiền, có được vị trí tốt, có cơ hội thăng tiến, hay đơn giản chỉ nghĩ rằng “được học ngành đó thì hay quá”, mà không biết lượng sức mình, không hiểu rõ về ngành mình chọn. “Khi bạn học một ngành nào đó chỉ vì tiền, có nghĩa là bạn đã thất bại. Kiếm tiền không có, nhưng quan trọng là bạn phải có kĩ năng, phải thật sự giỏi và có đam mê. Học giỏi, thi điểm cao, nhưng rồi sao nữa? 4 năm trên giảng đường, nếu không biết tự tích lũy thêm nhiều kĩ năng khác, bạn cũng chẳng thể đi làm được, nếu chỉ có tấm bằng đại học.
Chọn sai ngành
Bạn chọn ngành mà bạn thích, ngành mà bạn giỏi, ngành mà bạn cho rằng mình phù hợp, chắc gì bạn đã chọn đúng? Nhiều bạn học công nghệ thông tin được 2 năm mới nhận ra bản thân thích học về cơ khí hơn. Nhiều bạn học sư phạm văn 2 năm mới nhận ra bản thân thích viết báo, đi đây đi đó hơn là ngồi một chỗ. Bản chất chúng ta có rất nhiều sở thích khác nhau, thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Sở dĩ bạn mất động lực học là do bạn đã có một động lực khác to lớn hơn.
Không bị ép buộc
Thời cấp 3, sở dĩ bạn có động lực học là do bị áp lực từ nhiều phía: thầy cô, gia đình, bạn bè xung quanh. Lên đại học, mỗi chúng ta là một cá thể độc lập. Bạn có thể nghỉ học mà không cần xin phép, không thèm làm bài tập. Không ai quản lí được thời gian của bạn. Chính vì bạn không có điều gì ép buộc nên bạn bắt đầu tự buông thả và…
Dễ bị cám dỗ
Sinh viên không chỉ có chuyện học. Sẽ có lúc bạn được rủ đi chơi, rủ đi làm thêm, rủ đi học thêm… Dù là gì đi nữa thì vẫn có những cám dỗ tiềm tàng. Nhiều bạn vì đi làm thêm mà nghỉ học, vì đi chơi nhiều mà không thể đọc sách, vì dành quá nhiều thời gian yêu đương mà không thể tập trung tham gia các hoạt động phong trào. Khi thành tích của bạn kém đi, bạn cũng tự khắc mất hết động lực.