Năm nhất, các bạn sinh viên còn bỡ ngỡ, dễ buồn và dễ sốc khi phải làm quen với môi trường mới cùng phương pháp học đại học. Bắt đầu năm 2 trở về sau, có thể xem là những ngày tháng tuyệt vời nhất của thời sinh viên. Rất nhiều dự định một sinh viên năm hai nên làm ngay, nếu không muốn quãng thời gian quý giá trôi qua uổng phí.
Tìm hiểu nơi mình đang sống
Kiều Oanh rời quê Bình Thuận ra Đà Nẵng học đại học. Thành phố Đà Nẵng với những bãi biển và cây cầu tuyệt đẹp, Hội An với những đêm hội lung linh, quần thể kiến trúc Mỹ Sơn cổ kính… Những địa danh này cách trường Oanh chẳng bao xa trong khi khách thập phương phải qua nhiều giờ máy bay đến trải nghiệm. Thế nhưng, khi tốt nghiệp, Oanh mới sực tiếc nuối: “Mang tiếng học ở Đà Nẵng nhưng nhiều nơi quanh Đà Nẵng mình chưa bao giờ đi. Ngay cả chiếc cầu Rồng phun lửa mỗi cuối tuần cũng chỉ thấy trên báo”.
Tương tự Kiều Oanh, rất nhiều bạn sinh viên trước khi vào đại học ước ao một lần đặt chân đến Nha Trang, Hà Nội, Huế hay TP. HCM… Thế nhưng, sau 4 năm đại học, nhiều sinh viên ở TP. HCM ú ớ khi nghe nhắc đến những địa điểm Đầm Sen, Suối Tiên, Bến Nhà Rồng… Các bạn lý giải “bụt chùa nhà không thiêng”. Chỉ khi chuyển nơi khác sinh sống, các bạn mới nhớ khám phá nơi mình đã sống từng là ước mơ một thời.
Chơi một môn yêu thích
Với những bạn thích thể thao, tham gia câu lạc bộ bóng đá, bóng rổ hay bóng chuyền của lớp, của trường là hoạt động thú vị. Còn với các bạn mê nhạc, sao không tranh thủ đăng ký một lớp học nhạc cụ yêu thích. Rất “kết” nhảy múa, bạn có thể đến nhà Văn hóa đăng ký ngay các lớp khiêu vũ hay dạy nhảy đường phố với mức học phí phù hợp. Muốn nấu ăn ngon, làm được các loại bánh độc đáo, không khó để bạn tìm ra lớp học thú vị.
Rất nhiều cựu sinh viên nuối tiếc vì đã chần chừ, để thời gian rảnh rỗi thời đại học (năm 2, năm 3) trôi qua vô ích mà không tự trang bị một “tài lẻ” nào đó. Sở hữu cho mình những kỹ năng độc đáo là “vũ khí lợi hại” để bạn vượt lên nhiều đối thủ trong “cuộc chiến” xin việc làm. Nhiều sinh viên nhờ lợi thế đá bóng giỏi, đàn hát hay đã lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng các cơ quan, xí nghiệp… Bên cạnh chuyên môn công việc, có một tài lẻ nhất định, bạn sẽ được nể trọng, ưu ái hơn trong môi trường làm việc sau này.
Đừng quên ngoại ngữ
Ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ, là chìa khóa để mở ra những cơ hội học tập cũng như công việc ngay sau khi bạn tốt nghiệp. Nếu chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ ở năm nhất thì năm hai vẫn chưa muộn để bạn bắt đầu. Hãy nhìn tấm gương những cựu sinh viên đang than vãn rớt tuyển dụng chỉ vì khả năng ngoại ngữ, hay phải đến trung tâm sau một ngày làm việc mệt nhọc. Bạn có muốn phải ngồi “chia lại thì quá khứ” như các anh chị ấy không?
Với những bạn đang học ngành học một ngoại ngữ khác tiếng Anh, có thể đăng ký học thêm tiếng Anh vì đây là ngôn ngữ phố biến nhất. Kinh nghiệm của những anh chị đi trước cho thấy, bạn lấy bằng cử nhân tiếng Hàn, tiếng Nhật… cũng có thể làm việc trong các công ty của Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhưng nếu bạn thành thạo thêm tiếng Anh, bên cạnh ngoại ngữ khác, mức lương của bạn sẽ cao hơn gấp nhiều lần.
Khi học ngoại ngữ, có thể bạn phân vân hết phương pháp này đến phương pháp khác. Tuy nhiên, phương pháp căn bản nhất khi học ngoại ngữ vẫn là niềm vui thích và sự siêng năng.
Hãy thử kiếm tiền
Ở phương Tây, giới trẻ tự lập từ nhỏ. Dù gia đình khá giả, các bạn vẫn tranh thủ làm thêm, không ngại công việc chân tay như làm vườn, phục vụ bàn, bán hàng… Rất nhiều sinh viên Việt Nam đã ý thức được tự lập, nhưng một số đông vẫn ỷ lại vào tài chính gia đình. Các bạn ngửa tay xin tiền cha mẹ, dù biết rằng, để nuôi con học đại học, cha mẹ hết sức vất vả. Nhiều sinh viên tâm sự rằng, rất thương cha mẹ lam lũ. Nhưng chỉ thương bằng lời nói thôi đã đủ?
Làm ra tiền bằng chính công sức mình, dù ít dù nhiều, các bạn cũng biết trân trọng hơn giá trị đồng tiền. Nhưng đừng kiếm tiền như con thiêu thân mà bỏ bê việc học. Nhận ra mình đi nhầm đường quay về việc học thì đã muộn. Các bạn nhà ta nên tránh điều này nhé!
Tăng cường kỹ năng
Ngoài việc học bài bản ở giảng đường, năm 2 là lúc thích hợp nhất để bạn tham gia hoạt động, dự án trong hay ngoài giảng đường. Chẳng hạn, bạn có thể tham gia trải nghiệm mùa Hè tình nguyện, tranh thủ ngày cuối tuần cùng nhóm bạn làm dự án mang sách vở, tổ chức vui chơi cho trẻ em mái ấm, thực hiện một dự án bán hàng gây quỹ, làm tình nguyện viên cho một tổ chức phi chính phủ, thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học, thực hiện những chuyến du lịch bụi, tham gia tiếp sức mùa thi…
Tất cả những hoạt động đó sẽ nâng cao kỹ năng sống cho bạn. Nó giúp bạn biết ứng xử với mọi người, ứng phó với những khó khăn cuộc sống cũng như mở rộng các mối quan hệ cần thiết cho công việc sau này. Tất cả sẽ góp phần tạo nên “sức nặng” cho CV của bạn trước nhà tuyển dụng.
Yêu nhé, đừng quên!
Không ít bạn học xong năm nhất vẫn mang theo “ám ảnh” do thế hệ trước truyền lại rằng “tình yêu thời đại học không bền lâu, yêu làm chi cho phí thời gian, ra trường tìm người yêu rồi cưới luôn cũng không muộn”. Nhưng sự thật tuổi 20 chính là thời điểm đẹp nhất để bắt đầu một tình yêu nghiêm túc. Đừng ngại mở lòng mình đón nhận tình cảm từ bạn khác phái, cũng đừng lo lắng xa xôi khi bày tỏ cảm xúc với người khiến mình rung động. Viện cớ tập trung học hành hay bận rộn làm thêm để lảng tránh tình yêu sẽ làm bạn nuối tiếc về sau. Người ta chỉ sống một lần tuổi 20, tại sao bạn không để trái tim mình rung động khi năm 2 đã tới?